Tôi rất muốn viết một cái gì đó về cuộc đời của mình, nhưng không biết bắt đầu từ đâu ? bởi vì khi nhớ về những tháng ngày cơ cực ấy, nước mắt tôi cứ mãi tuôn rơi, làm tôi không cách nào cầm bút lên được. Thời gian cứ thế trôi đi, một thời tuổi thơ cũng qua nhanh không trở lại. Có nhiều khi tôi tự hỏi “mình là ai, tại sao mình lại đến cái thế giới xa lạ này ? tại sao mình sinh ra trong một gia đình nghèo khổ như thế ?” Đôi lúc, tôi rất muốn quên đi cái quá khư khốn khổ đó, nhưng tôi không cách nào quên được, hình như nó đã ăn sâu vào trong dòng máu và ký ức của tôi rồi…
珊珊
Bến Tre - Thời thơ ấu khốn cùng …
Tôi sinh ra trong một gia đình nhiều đời là nông dân nghèo rớt mồng tơi. Ba Mẹ tôi từ nhỏ đã phải nghỉ học sớm để giúp ông bà Nội Ngoại của tôi làm ruộng, cũng chính vì nhà gần và thường xuyên dần công cấy lúa cắt lúa với nhau nên mới quen rồi cưới, khi cả hai chỉ mới 19 tuổi, cái tuổi còn quá trẻ để nghĩ đến cái chuyện kết hôn. Cuối cùng thì…bốn chị em chúng tôi lần lượt ra đời, tạo thêm một gánh nặng đáng sợ cho hai người trẻ tuổi chỉ biết dựa vào ruộng nương sinh sống…
Mấy năm đó, lúa bị thất mùa, nơi nơi khốn khổ, nhà nhà không có gạo để ăn, phải ăn độn lúa mì, củ mì, chuối cây, khoai lang và nhiều thứ khác nữa,…nói chung cái gì ăn được mà không có hại thì cứ thế mà cho vào bụng, chứ không nghĩ ngợi đắn đo đến chuyện nó có dinh dưỡng hay không ? Nhiều người trong làng phải bỏ xứ đi làm ăn xa, Ba Mẹ tôi cũng theo dòng người di cư đó và tìm đến một vùng đất mới. Từ đó bốn chị em chúng tôi phải ở lại quê hương cùng với một người Cô, để rồi dần lớn lên trong những ngày tháng thiếu thốn cơ cực…
Khi tôi lên 7 tuổi, Mẹ tôi lần đầu tiên dẫn tôi đến trường làng. Từ đó, tôi mới cảm nhận và ý thức được sự thiệt thòi của một đức con nhà nghèo. Mỗi sáng phải ăn cháo trắng hoặc cơm nguội đi học, chỉ có cơm trắng cháo trắng thôi chứ không hề có lấy tí đồ ăn nào cả, nếu có cũng chỉ là "chảo muối quẹt" mặn chát của thứ nước mắm kho rẻ nhất, vậy mà ăn thấy ngon làm sao ấy !
Trường học cách nhà tôi cũng không xa lắm, nhưng nó rất dài so với cái tuổi lên bảy của tôi. Mỗi ngày đi học, tôi chỉ có một bộ đồ duy nhất, vừa cũ vừa rách mấy lổ, nhưng Mẹ tôi đã kịp thời đắp lên đó những miếng vá sau những lần ở xa trở về…Trong túi thì chẳng bao giờ có tiền, cho nên nhiều lần tôi đành phải thầm nuốt nước bọt mỗi khi đi ngang qua những gánh đồ ăn ở trước cổng trường hoặc khi nhìn thấy mấy đứa bạn học cầm trên tay một gói bánh thơm phưng phức…
Tuổi thơ của tôi không hề có bóng dáng của một thứ đồ chơi nào, cho dù đó là thứ rẻ tiền nhất …. À, thì cũng có, nhưng đó chỉ là một con búp bê không có đủ chân tay hoặc mù một con mắt, mà tôi vô tình lượm được ở một đống rác nào đó.
Tôi còn nhớ, tết trung thu năm nọ, chị em chúng tôi nhặt những cái lon sữa bò, hì hục đụt vài cái lổ, và để vào đó một sâu trái mù u vẫn còn dính đầy nhựa, thay thế những cây nến xanh đỏ trong những chiếc lồng đèn chim cá màu sắc rực rỡ và cứ thế hí hửng xách đi khắp xóm. Thật ra, tôi cũng thèm có được chiếc lồng đèn với cái thứ ánh sáng lung linh huyền ảo mà mẹ cha chúng bạn mua ở chợ, nó đẹp và kỳ diệu làm sao so với sức tưởng tượng của tuổi thơ ? Mẹ tôi là người buồn nhất, trung thu năm nào Mẹ cũng hứa với chúng tôi “ khi nào có tiền thì Mẹ sẽ mua cho chị em bây mỗi đứa một cái mà chơi”…những lúc đó tôi thương Mẹ lắm, bởi tôi thầm hiểu cái ngày đó còn xa … xa thật xa…
Có một lần tôi bệnh nặng, Ba Mẹ phải đưa tôi lên bệnh viện tỉnh, lúc đó tôi được 9 tuổi. Nhìn thấy một bạn nhỏ nằm ở giường bên cạnh đang chơi với một “ chú khỉ đánh trống” bằng nhựa. Tôi thấy thích làm sao, cứ đăm đăm nhìn không hề chớp mắt và ước rằng mình cũng sẽ có một con như vậy. Cái ước mơ bé bỏng đó, vẫn ấp ủ trong lòng tôi cho tới ngày nay. Tuy bây giờ, tôi đã có chút thành công trong cuộc sống, tôi có tiền, tôi có thể mua được bất cứ thứ gì mình thích, nhưng tuổi thơ thì không trở lại, và tôi đã nhiều lần đi tìm mua cái món đồ chơi ấy, nhưng vô vọng… ***
Tuổi thơ của tôi cứ thế trôi đi như những đợt sóng ngầm dữ dội nơi biển sâu thăm thẳm. Tuy mới có nhúm tuổi đầu, nhưng tôi đã biết bon chen với đời bằng nhiều nghề khác nhau (bởi ai mướn gì thì làm đó), miễn sao kiếm được đồng tiền chân chính trong sạch. Và không biết tự lúc nào, sự vất vả khốn khổ ấy đã nhen nhúm trong lòng tôi một ý chí và nghị lực mạnh mẽ, tâm niệm duy nhất của tôi là “nhất định phải thoát nghèo” !
Cho đến một ngày, ba tôi trở về…tôi lại từ giã miền sông nước và tuổi thơ cơ cực để cùng cả nhà đến một miền đất xa xôi …Tôi có ngờ đâu, sự ra đi đó là bắt đầu một cuộc sống tha phương vĩnh viễn sau này - năm đó tôi 12 tuổi.
Những ngày ở Sông bé…
Tỉnh Sông Bé, nay được chia thành hai phần, một phần nhập vào tỉnh Bình Dương, và một phần ghép vào tỉnh Bình Phước. Ngày tôi đến, bốn bề chỉ toàn là rừng và núi đồi trùng điệp. Con đường mòn cong queo không thấy một bóng người, rừng núi hoang vu im lặng một cách đáng sợ. Ban đêm không khí rất lạnh, ngoài trời tối đen như mực, chỉ thấy những đóm lửa ma trơi lấp lóa xa xa, lâu lâu lại bùng lên rồi lại tắt ngấm giữa núi đồi hiu quạnh, cộng thêm cái ánh sáng xanh xao leo lét của những con đom đóm đèn, cùng với những tiếng kêu của thú rừng chim chóc… tất cả những thứ đó, hòa quyện thành một sự kỳ bí rùng rợn …
Nhà tôi, nói là nhà, chứ thật ra chỉ là một cái chồi tranh vách liếp đơn sơ, cất theo kiểu nhà sàn cao 3m của người dân tộc để phòng ngừa thú dữ. Có nhiều đêm đang ngủ, bỗng nghe được tiếng nhai ngấu nghiến của một con thú nào đó ở dưới gầm nhà. Có khi đang trong cơn mơ, tôi phải giật mình thức dậy, bởi núi rừng âm u bổng vang lên những tiếng cồng chiêng, thùng thiếc, xoong nồi … thì ra đó là phản xạ phòng bị của người dân tộc mỗi khi nghe được tiếng gầm của “chúa tể sơn lâm”. Lúc đầu tôi sợ lắm, nhưng dần dà rồi cũng quen đi, và từ một cô bé nhút nhát hay sợ ma nơi miền sông nước, tôi đã lột xác trở thành một cô bé ngoan cường của núi rừng. Gió núi mây ngàn đã biến tôi thành một cô bé dũng cảm. Thế là, miền đông rừng núi hoang vu trùng điệp đã trở thành Quê Hương thứ hai trong tâm trí của tôi.
Hết hè, tôi lại đến trường với bao bạn bè thầy cô xa lạ. Từ nhà đến trường khoảng 10 cây số, nhưng ngày nào tôi cũng phải dậy từ rất sớm để đi bộ đến trường. Trèo hết bao nhiêu con đèo, lội qua bao nhiêu là con suối, cuối cùng rồi cũng có mặt ở trường vào lúc rạng đông. Có nhiều hôm, tan học trên đường về gặp trời mưa to, nước suối dâng cao và chảy xiết, tôi không cách nào bơi qua được, tuy đã về được hơn nữa đường, nhưng đành phải trở lại nhà người quen ở gần chợ để ngủ đỡ qua đêm.
Cuối năm học lớp 8, sau nhiều năm vật lộn với núi rừng nương rẩy vẫn không đủ sống, Ba tôi một lần nữa lại dời nhà đến một nơi xa lạ, vẫn là miền đông đất đỏ rừng núi chập chùng và định cư cho mãi đến bây giờ. (tôi cũng xin nói thêm rằng, trong mỗi một Tỉnh như vậy, Ba Mẹ tôi đã dời nhà hơn cả chục lần, và đó chỉ là những căn chòi nắng mưa tạm bợ… )
Tỉnh Đồng Nai
Năm đó, tôi vào lớp chín, tôi lại một lần nữa bắt đầu ở một trường học mới đầy xa lạ. lại phải bắt đầu thực hiện một cuộc chạy đua 3 cây số tính từ nhà tới trường bằng đôi bàn chân đã chai cứng sau những năm tháng trèo đèo lội suối.Tôi bắt đầu cảm nhận sâu sắc về một thời thiếu nữ nghèo khổ và một thời học trò thiếu thốn cuộc sống vật chất. Đã vào lớp 9 rồi mà vẫn chỉ có duy nhất một bộ đồ đến trường. Tôi rất ngượng ngùng mỗi khi những bạn cùng lớp rủ đi ăn quà vặt trong giờ giải lao 30 phút. Bởi tôi ít khi có tiền ở trong túi, nên đành phải giả đò cắm cúi ôn lại bài trong những lúc ra chơi. Rồi những cuộc vui tổ chức góp tiền đi dã ngoại, tôi chẳng bao giờ tham gia cả, để rồi nơi góc khuất nào đó, tôi một mình ngồi khóc cho số phận không may đen đủi của mình.
Mỗi năm đến ngày 20/11, bàn bè ai cũng háo hức và hãnh diện chuẩn bị một món quà để tặng Thầy Cô, còn tôi ngay cả tiền ăn vặt cũng không có thì làm gì có tiền để mua quà. Tiền học phí mỗi năm tuy không là nhiều lắm so với người có giàu có, nhưng cũng đủ để má tôi chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp làng rồi… thế là tôi đành lặng lẽ nghỉ học một vài hôm để khỏi phải hứng chịu sự ngượng ngùng trong buổi lễ …
Những chị em của tôi, đều lần lượt nghỉ học để đi làm kiếm tiền, bởi họ không chịu nỗi một cuộc sống thiếu thốn khắc nghiệt. Nợ nần chồng chất, lại cộng thêm nhà dột cột xiu, tối nằm trên giường ngủ có thể ngắm được trăng sao mây gió … Tôi còn nhớ nhiều lần mưa bão, cả nhà chúng tôi mỗi người ôm một cây cột để giữ lấy cái mái nhà duy nhất bốn bề lộng gió của mình. Tuy ở trong nhà nhưng ai cũng phải đội nón và mặc áo mưa, vừa để chống lạnh, vừa để khỏi phải hứng lấy những hạt mưa lạc lối … Những lúc đó, tuy không khí thật là náo nhiệt, nhưng trong lòng mỗi người chúng tôi đều có những nỗi niềm riêng không nói nên lời …
Nhiều lần tôi cũng định nghỉ học, nhưng khi nhìn thấy nét mặt ưu tư của Ba tôi và nỗi buồn mênh mang trên gương mặt Mẹ, tôi đã cố gắng khắc phục khó khăn, để vượt lên sự nghiệt ngã ấy của cuộc đời. Tinh thần thép của tôi lại trỗi dây, cái nắng cái gió của miền núi hanh khô như thiêu đốt sự yếu đuối trong tâm hồn tôi, tôi hạ quyết tâm nhất định phải vượt lên chính mình….
Khi biết được gia cảnh khó khăn của tôi, một số bạn bè đã góp tiền để giúp đỡ tôi. Một số Thầy Cô đã giúp tôi làm đơn miễn đóng học phí và lãnh giải học bổng Nguyễn Thái Bình. Những tấm chân tình quý báu đó, cho tới bây giờ tôi vẫn còn ghi tâm khắt cốt, nhưng tôi không có dịp để báo đáp. Bởi sự đời sao dời vật đổi, tôi cũng không biết họ đã về đâu …? Tận đáy lòng tôi, họ là những ân nhân cao cả mà suốt cuộc đời tôi không bao giờ quên được, tôi chỉ biết thành tâm nguyện cầu cho họ luôn gặp được may mắn mà thôi… Tiếp nối những ngày sóng gió … window.googletag = window.googletag || {cmd: []}; googletag.cmd.push(function() { googletag.defineSlot('/22590772197/pc_textbottom', [1, 1], 'div-gpt-ad-1639353180888-0').addService(googletag.pubads()); googletag.pubads().enableSingleRequest(); googletag.enableServices(); }); googletag.cmd.push(function() { googletag.display('div-gpt-ad-1639353180888-0'); });
Năm 1995 , tôi cùng mấy người bạn chung lớp chuẩn bị khăn gối lên Thành Phố HCM dự thi Đại Học. Cầm trên tay 500 ngàn đồng mà Mẹ tôi mới đi vay của một người trong xóm, tôi vô cùng xúc động không cầm được nước mắt, tôi nguyện với lòng “ Mẹ ơi, con nhất định sẽ thành công!”
Thế rồi sự thành công của tôi vượt ngoài sức mong đợi của cả gia đình, tôi thi đỗ vào 3 trường Đại học. Nỗi mừng vui chưa hết, thì nỗi lo lại ập đến, tiền ở đâu ra để cho tôi hoàn tất 4 năm dài đằng đẵng này đây ? thế là vốn đã nợ nần chồng chất, vì tương lai của tôi Mẹ lại tiếp tục đi mượn nợ … để rồi, trong những năm tôi học Đại Học, tấm lưng Mẹ tôi lại còng thêm để dối phó với những món nợ lãi cao …
Đầu tháng 9 năm 1995 … Tôi lại cùng mấy người bạn ngồi xe đến Thành Phố HCM và bắt đầu một cuộc sống đơn thân độc mã. Nơi Thành Phố lạ xa này, đau đầu nhất là cái chuyện thuê nhà. Mới vào học có một tháng mà tôi đã đổi tới 7 lần chỗ ở, và 4 tháng sau thì sự thay đổi đó đã đạt mức kỹ lục là 24 lần. Bởi vì “lính” mới, đồ đạc không nhiều lắm, chỉ có mấy bộ đồ và một thùng tập nho nhỏ mà thôi, nên chuyện dời đổi đó cũng không mấy khó khăn lắm.
Những ngày sau đó, tôi dò la được một số chỗ dạy kèm và công việc chạy bàn. Thế là, ngoài giờ học, lúc thì tôi đóng vai một cô giáo nhỏ, lúc tôi lại trong vai diễn của một đứa phục vụ quán cơm. Bất luận là bao xa, với chiếc xe đạp cộc cạch, vậy mà tôi đã đạp qua không biết là bao nhiêu đường to ngõ hẽm, đội mưa dang nắng mà tiến lên cùng với một mục tiêu…
Sáng nào cũng với một cục xôi “vò” nốc vào cái bụng xẹp lép, hậu quả của việc ăn mì gói vào tối hôm qua, để rồi vào Giảng đường với một nét mặt hớn hở đến kỳ lạ…Ôi, cái thời sinh viên nó đẹp làm sao ?
Lúc mới lên Thành Phố, tôi nhớ nhà vô cùng, tôi hay ngồi khóc và cứ vài tháng là vù về nhà một lần. Nhưng sao này, để tôi được yên tâm ăn học, Ba Mẹ tôi lâu lâu lại khăn gối lên Thành Phố thăm tôi. Mỗi lần như vậy, Mẹ tôi đều mang cho tôi một ít thịt kho khô hoặc tép chấy khô, có thể ăn được lâu để cho tôi bồi bổ, và một mớ trái cây mang đầy hương vị Quê Hương …. Những món quà quê đơn sơ ấy, với tôi nó là nguồn động viên to lớn trong bốn năm Đại Học của mình…tôi nhớ mãi…! ***
Và hai tấm bằng Đại Học vinh quang ngày nay là sự kết tinh giữa máu và nước mắt của Ba và Mẹ, là sự giúp đỡ tận tình của biết bao người ân, là sự phấn đấu không ngừng của một thời tuổi trẻ nghèo khổ và vất vả, là nghị lực phi thường của một thời tuổi thơ không đủ cơm ăn, chăn không đủ ấm, áo không đủ mặc, không có đồ chơi,…. Để giờ đây, tuy tôi đã gặt hái được chút thành tựu trong cuộc sống, nhưng tôi vẫn không nguôi nhớ về những ngày tháng cơ cực ngày nào....
Tất cả những buồn vui tuổi thơ, những cơ cực khổ đau của một thời tuổi trẻ đã từng là nguồn động viên lớn lao trong sự thành công của tôi, và sẽ mãi mãi là động lực mãnh mẽ đóng góp tích cực vào sự phấn đấu trong chặng đường còn lại mà tôi đã chọn lựa cho mình…